Trung Quốc đột phá về nhiên liệu diesel sinh học với hàm lượng sinh khối lên tới trên 40%
Các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt bước đột phá trong phát triển công nghệ mới giúp sản xuất nhiên liệu sinh học với hàm lượng sinh khối cao hơn.
(Ảnh: X/@ChinaScience)
Hàm lượng sinh khối có thể lên mức trên 40%, cao hơn nhiều so với hàm lượng trung bình toàn cầu hiện nay là chưa đến 10%. Theo các chuyên gia, công nghệ đặc biệt này mở ra bước ngoặt mới trong thay thế dầu mỏ bằng dầu sinh học.
Giáo sư Thẩm Kiện, Học viện Hóa học và Khoa học vật liệu thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh, cùng các đồng nghiệp đã cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng chất béo sinh học (triglycerides) và các thành phần của dầu thô tinh chế để sản xuất nhiên liệu sinh học dành cho ô tô mà không cần quá trình chuyển hóa ester.
Theo nhóm nghiên cứu, dầu diesel sinh học có hàm lượng sinh khối càng cao thì càng cho hiệu quả cao trong tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải carbon. Giáo sư Thẩm Kiện cho biết, bằng cách thay thế một phần dầu bằng chất béo sinh học, công nghệ này giúp tạo ra nhiên liệu diesel sinh học thân thiện với môi trường hơn và nâng cấp các tiêu chuẩn khí thải, tiến gần hơn tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon toàn cầu.
(Ảnh: X/@chinaorgcn)
Theo Cơ quan giám sát, kiểm tra chất lượng Trung Quốc, loại nhiên liệu này đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về nhiên liệu diesel sinh học dành cho ô tô và có tính ổn định oxy hóa, chống ăn mòn, bôi trơn và bảo vệ môi trường đặc biệt tốt.
Theo Trung tâm Tư vấn tìm kiếm khoa học và công nghệ tỉnh Giang Tô, đây là là công nghệ đầu tiên trên thế giới mà sản phẩm có hàm lượng sinh khối cao, thời gian ổn định lâu dài và tất cả hiệu suất đều tốt hơn so với dầu diesel và diesel sinh khối hiện có được sản xuất bằng công nghệ ester hóa.
Để đẩy nhanh quá trình sản xuất, Đại học Sư phạm Nam Kinh đã phối hợp với một công ty năng lượng thành lập đơn vị sản xuất loại nhiên liệu diesel sinh học này, với công suất sản xuất 2 triệu tấn/năm, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm này.
Nguồn: vtv.vn