Đưa Việt Nam trở thành điểm đến mới của ngành bán dẫn
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô là những ngành quan trọng, vừa có động lực cũ cần được làm mới, vừa có động lực mới cho sự phát triển.
Trong khuôn khổ hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, công nghệ ô tô, chip bán dẫn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại sự kiện, đại diện Việt Nam và doanh nghiệp trong, ngoài nước đã chia sẻ để cùng tìm ra những cơ hội mới và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư thời gian tới. Các doanh nghiệp trình bày về định hướng hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong 3 lĩnh vực AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô; đồng thời lắng nghe Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành phát biểu về tầm nhìn, định hướng và các giải pháp thúc đẩy phát triển, hợp tác, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực này, cũng như các nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của Việt Nam.
Đại diện các tập đoàn lớn của thế giới như Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson… đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, AI, hạ tầng chiến lược…
Ông Scott Beaumont, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google, cho biết: "Chúng tôi mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tận dụng tiềm năng ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Vào năm 2024, chúng tôi sẽ giúp các đối tác có thể tiếp cận trí tuệ nhân tạo bằng cách cung cấp các công cụ và cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Tại Việt Nam, chúng tôi đang đặt trí tuệ nhân tạo là trọng tâm trong hoạt động hợp tác với các lập trình viên, các công ty khởi nghiệp, các nhà phát triển trò chơi/ứng dụng và Chính phủ để dùng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết những khó khăn lớn trong quản lý y tế, giao thông và dự báo lũ lụt".
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này
Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông tin về những thành tựu cơ bản của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới và các yếu tố nền tảng, mục tiêu, định hướng lớn trong phát triển đất nước. Theo Thủ tướng, AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô là những ngành quan trọng, vừa có những động lực phát triển cũ cần được làm mới, vừa có những động lực mới cho sự phát triển.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển trong lĩnh vực AI; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với các trung tâm dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương. Về công nghệ ô tô, Việt Nam tập trung phát triển ô tô điện, sử dụng nguyên liệu sạch, phát thải carbon thấp và đầu tư cho giao thông xanh.
Về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định đây là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.
Chia sẻ về cơ hội của ngành bán dẫn Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết: "Ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Năm 1960 ngành bán dẫn phát triển tại Mỹ, sau đó đến những năm 1970 chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng đến ngày hôm nay rất cần ngành bán dẫn mà lực lượng lao động đặc biệt là thanh niên ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại không muốn làm ngành này, vì đây là ngành phát triển nhanh, làm việc vất vả. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam rất thích làm ngành này. Để thu hút lực lượng thanh niên vào ngành này, phải mở ra cơ hội để thanh niên được làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành".
Khép lại buổi tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm được cân đối lớn; thu hút gần 37 tỷ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân khoảng 23 tỷ USD vốn FDI. Thủ tướng mong các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác, đầu tư hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác với nhà đầu tư trên nguyên tắc lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời khi có rủi ro thì cùng chia sẻ.
Nguồn: vtv.vn