Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa bằng robot: Xu hướng mới của ngành ngân hàng
Việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu từ những tiến bộ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa bằng robot trong quy trình hoạt động và giao tiếp với khách hàng sẽ tạo ra cuộc “cải tổ” trong hoạt động của ngành ngân hàng, tài chính.
Dưới những tác động từ đại dịch Covid-19, người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua hàng trực tuyến và giao dịch qua thiết bị di động, đi kèm với những kì vọng cao hơn về sự tiện lợi, nhanh chóng đối với các dịch vụ ngân hàng, tài chính. Song song với đó, sức ép cạnh tranh từ mô hình tài chính mới fintech càng thúc đẩy ngân hàng nhanh chóng tìm kiếm và ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ hiện đại để bắt nhịp với những chuyển biến mạnh mẽ của thị trường.
Đặc biệt, công nghệ robot và AI đóng vai trò quan trọng và được dự báo sẽ tạo ra nhiều đột phá mới của ngành ngân hàng trong tương lai.
Có thể nói, AI hiện đang là xu hướng phát triển chung trên toàn thế giới bởi khả năng xử lý dữ liệu thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, điều mà ngay chính con người nhiều lúc vẫn gặp phải khó khăn trong thực hiện.
Nhờ những ứng dụng quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số dựa trên kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và nền tảng mở (Open Platforms), ngày nay, trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, AI đã dần xâm nhập vào mọi mặt của cuộc sống.
Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa bằng robot: Xu hướng mới của ngành ngân hàng
AI giúp các tổ chức/doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tự động hóa một loạt các quy trình, cũng như thúc đẩy lợi nhuận của tổ chức/doanh nghiệp. Do đó, AI đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như tài chính, y tế, bảo hiểm, giáo dục, giao thông... Ngân hàng là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ và rõ rệt dưới sự tác động của công nghệ cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Một trong những ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngân hàng nổi bật là thông qua quá trình tự động hóa bằng robot. Hằng năm những ngân hàng phải dành ra từ 10 đến 15% chi tiêu của mình để duy trì chi phí vận hành IT, cải thiện các dịch vụ bảo mật. Tuy nhiên, AI đã cung cấp cho các ngân hàng cơ hội giảm thiểu chi phí này thông qua các dịch vụ tự động.
Ví dụ, tự động hóa bằng robot (RPA) là quá trình tự động phần mềm robot nâng cao năng suất và tự động hóa các công việc bàn giấy nhờ mô phỏng các thao tác máy tính của nhân viên văn phòng. RPA sẽ ghi nhớ các quy tắc thực hiện được gọi là kịch bản mô tả trình tự thao tác. Những lần sau đó, RPA sẽ thực hiện công việc này dựa trên kịch bản có sẵn đã được tạo ra.
Không chỉ vậy, Al còn giúp tính cá nhân hóa khách hàng được nâng cao. Mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm dựa trên việc nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, tức là nâng cao khả năng thu thập dữ liệu khách hàng, đánh giá chất lượng ngân hàng trên quan điểm của khách hàng; giúp khách hàng có nhiều lựa chọn trong tùy chỉnh chức năng của sản phẩm, bao gồm cả định giá sản phẩm, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để quan sát sở thích của khách hàng, thực hiện phân khúc khách hàng theo các nhóm khách hàng chi tiết, hỗ trợ xây dựng chiến lược tương ứng, cung cấp đa dạng các kênh phân phối tự phục vụ và tương tác cá nhân tới khách hàng, xây dựng sản phẩm linh hoạt phù hợp với từng phân khúc khách hàng.
Rõ ràng vai trò, sức mạnh cá nhân trong ngân hàng được tìm thấy thông qua việc chia sẻ thông tin cá nhân khi họ nhận được những lời khuyên, các đề xuất và dịch vụ dựa trên sự hiểu biết chung. Và các thông tin và lời khuyên này sẽ do AI hỗ trợ bởi các chuyên gia tư vấn robot-đây là các dịch vụ quản lý tài sản trực tuyến cung cấp những lời khuyên về quản lý danh mục đầu tư một cách tự động, dựa trên các thuật toán AI mà không cần có sự trợ giúp của bất kỳ nhân viên nào.
Al cũng giúp phát hiện gian lận. Đây là một trong những lĩnh vực then chốt trong lĩnh vực ngân hàng, và cũng là nơi hệ thống thông minh nhân tạo được sử dụng sớm nhất và đạt được nhiều thành công nhất hiện nay. Bằng cách xem xét lại các mẫu tài khoản hoạt động đang được theo dõi, với sai lệch đối với các mẫu đã được gắn cờ để xem xét thêm. Trong thập kỷ qua, AI không chỉ cải thiện đáng kể quá trình giám sát mà còn có thể phản ứng trong thời gian thực để phát hiện gian lận tiềm ẩn.
Thực tế đã chứng minh, robot và AI hỗ trợ hiệu quả việc ra quyết định cho các khoản vay và tín dụng, giảm chi phí hoạt động và những rủi ro đáng kể liên quan đến con người, tối ưu sản phẩm dịch vụ ngân hàng hướng tới cá nhân hoá, đồng thời kiểm soát việc tuân thủ quy định ngân hàng của khách hàng, chống gian lận.
Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã sử dụng công nghệ robot và AI như một phần tất yếu cuả quá trình chuyển đổi số và đạt được những thành công nhất định. Điển hình, ngân hàng Bank of America (Mỹ) cho ra đời một trợ lý ảo thông minh mang tên Erica phục vụ hơn 45 triệu khách hàng quản lý nhu cầu ngân hàng thuận tiện và hiệu quả hơn; Citibank đầu tư chiến lược vào Feedzai – một doanh nghiệp phân tích dữ liệu theo thời gian thực để xác định và loại bỏ gian lận thương mại trong hoạt động ngân hàng…