Thế giới ảo với nhiều thăng trầm trong năm 2023
Năm 2023, cộng đồng mạng thế giới đã chứng kiến nhiều thăng - trầm, với những sự khởi đầu và cả sự kết thúc của một số nền tảng trực tuyến.
Twitter được thay thế bằng X; người dùng được trải nghiệm các nền tảng mạng xã hội mới như Bluesky và Mastodon; cơn sốt từ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) lan rộng cùng với đó là những lo ngại về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên trong thời đại kết nối số... Hãng tin AP (Mỹ) đã điểm lại những dấu mốc nổi bật trên mạng xã hội vào năm 2023 và dự báo xu hướng trong năm 2024.
Đầu tiên đó là sự kiện "tạm biệt Twitter". Sau khi tiếp quản Twitter vào tháng 10/2022, tỷ phú công nghệ Mỹ, Elon Musk, lần lượt sa thải các thành viên ban giám đốc điều hành trước khi chính thức đổi tên nền tảng mạng xã hội này thành X. Logo X được công bố vào tháng 7, nhanh chóng thay thế tên Twitter và biểu tượng con chim xanh, cả trên mạng lẫn tại trụ sở chính của công ty ở San Francisco. Trước khi "bay màu", Twitter từng có tính đại chúng cao, có sức thu hút mạnh mẽ nhờ có nhiều người dùng là các nhân vật có ảnh hưởng, nhà báo và những nhân vật cấp cao.
Tuy nhiên, ảnh hưởng này dường như đang suy yếu. Jasmine Enberg, nhà phân tích truyền thông xã hội tại Insider Intelligence, đánh giá dù có rất nhiều vấn đề ngay cả trước khi tỷ phú Musk tiếp quản nhưng Twitter vẫn là thương hiệu được yêu thích với vai trò rõ ràng trong thế giới mạng xã hội. Tuy nhiên, kể từ khi X thay thế, thì hầu như "chất" Twitter duy trì trong 17 năm trước đó phần lớn đã biến mất trong khi lý do tồn tại của X thì rất mù mờ. Chưa kể từ lúc được "khai sinh", X liên tục bị cáo buộc để lọt thông tin sai lệch và phân biệt chủng tộc, chịu tổn thất đáng kể về quảng cáo và bị sụt giảm số lượt sử dụng. Tỷ phú Musk được cho là có tham vọng biến X thành nền tảng đa ứng dụng như kiểu WeChat ở Trung Quốc nhưng theo giới quan sát, bản thân ông cũng khá mơ hồ về các chi tiết cụ thể.
Trong khi X chật vật khẳng định chỗ đứng, một số người dùng bắt đầu tìm kiếm các nền tảng thay thế. Mastodon và Bluesky- có cùng "cha đẻ" với Twitter là cựu Giám đốc điều hành (CEO) Jack Dorsey- được tung ra đúng thời điểm này. Gần đây, CEO Jay Graber cho biết hàng chục nghìn người, đa phần đi tìm mạng thay thế cho Twitter, bắt đầu đăng ký Bluesky trong mùa Xuân. Tương tự, Meta - công ty chủ quản của Facebook - đã tung ra Threads vào tháng 7. Nền tảng này đã trở nên phổ biến khi hàng chục triệu người bắt đầu đăng ký, mặc dù việc giữ chân người dùng vẫn là một thách thức.
Cùng với những biến động trên mạng xã hội, thế giới cũng ngày càng chú ý hơn tới những tác động của phương tiện truyền thông xã hội đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em, nhất là sau khi các bác sĩ Mỹ hồi tháng 5/2023 cảnh báo rằng không có đủ bằng chứng cho thấy phương tiện truyền thông xã hội an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên, qua đó kêu gọi các công ty công nghệ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em hãy "hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em ngay bây giờ". Theo Tổng Y sĩ Mỹ, Vivek Murthy, các bậc cha mẹ cùng toàn thể xã hội cần quản lý công nghệ đang phát triển nhanh chóng và có khả năng làm thay đổi căn bản cách suy nghĩ của con trẻ về bản thân, về cách xây dựng tình bạn, cách trải nghiệm thế giới. Đến tháng 10/2023, hàng chục bang của Mỹ đã kiện Meta với cáo buộc gây tổn hại cho giới trẻ và góp phần gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ, khi cố tình thiết kế các tính năng trên Instagram và Facebook khiến trẻ em nghiện các nền tảng của họ. Vào tháng 12/2023, Ủy ban Thương mại liên bang đã đề xuất những thay đổi sâu rộng đối với một đạo luật có tuổi đời hàng thập kỷ, nhằm quản lý cách các công ty trực tuyến có thể theo dõi và quảng cáo đối với trẻ em, bao gồm việc tắt quảng cáo nhắm vào trẻ em dưới 13 tuổi theo mặc định và hạn chế các thông báo.
Cộng đồng mạng toàn cầu cũng đang bước sang năm 2024 với nhiều điều mới mẻ. "Những người bạn AI" đã xuất hiện nhưng mới chỉ là khởi đầu. CEO Meta, Mark Zuckerberg đã vẽ ra một tương lai gần, nơi mọi người tương tác với các phiên bản ảnh 3 chiều của bạn bè hoặc đồng nghiệp và với các robot AI được phát triển để hỗ trợ. Công ty đã tiết lộ về một "đội quân robot AI" - với những người nổi tiếng như Snoop Dogg và Paris Hilton - đồng ý cho mượn khuôn mặt để người dùng mạng xã hội có thể tương tác.
Theo nhà phân tích Enberg, trong năm 2024, AI sẽ xuất hiện trong hầu hết các ngóc ngách của các nền tảng. Nhiều ứng dụng mạng xã hội sẽ sử dụng AI để thúc đẩy mức sử dụng, hiệu suất và doanh thu quảng cáo, số lượt đăng ký và hoạt động thương mại. AI đồng thời cũng làm gia tăng sự phụ thuộc cũng như mối quan hệ của cả người dùng và nhà quảng cáo với các mạng xã hội, nhưng việc triển khai sẽ không hoàn toàn suôn sẻ khi cả người dùng và cơ quan quản lý đều sẽ nâng cao cảnh giác. Trong bối cảnh các cuộc bầu cử lớn sắp diễn ra ở Mỹ, Ấn Độ và các quốc gia khác, vai trò của AI và mạng xã hội đối với công cuộc chống thông tin sai lệch sẽ tiếp tục là trung tâm thu hút sự chú ý của dư luận.
Nguồn: vtv.vn