Mất tiền khi chuyển khoản bằng Wi-Fi công cộng
Sử dụng Wi-Fi công cộng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, bao gồm cả nguy cơ mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Rủi ro khi dùng wifi công cộng
Tại những nơi công cộng đều có wifi miễn phí. Ảnh minh họa.
Đến một địa điểm công cộng như nhà hàng, quán ăn hay một tiệm cà phê, sử dụng mạng wifi công cộng để lướt mạng, kết nối với bạn bè hay thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến bằng thiết bị thông minh đã là thói quen của nhiều người. Thế nhưng không phải ai cũng biết, thói quen này, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong đó có nguy cơ bị kẻ xấu vét sạch tiền trong tài khoản khi thực hiện khi chuyển khoản bằng wifi công cộng.
Một người phụ nữ cho biết, cách đây ít lâu, chị đã sử dụng mạng wifi công cộng tại một tiệm cà phê để truy cập vào website bán hàng trực tuyến. Tìm được món đồ ưng ý, chị đã ngay lập tức thao tác trên điện thoại để thanh toán tiền mua hàng. 15 phút sau khi số tiền mua hàng bị trừ đi trong tài khoản, chị lại bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo biến động số dư.
"Lúc đó tôi cảm thấy rất hoang mang vì mình không chuyển khoản cho ai mà tự nhiên phát hiện mất 3 triệu trong tài khoản. Tôi tìm hiểu trên mạng thì mới biết được rằng khi dùng wifi bảo mật yếu, kẻ xấu đã đánh cắp thông tin cá nhân của tôi và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của tôi", nạn nhân cho biết.
Anh Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam nhận định: "Trong tình huống này rất có thể là người dùng đã kết nối vào mạng wifi công cộng, bảo mật yếu cho nên đã bị hacker kiểm soát và đã dẫn người sử dụng thay vì truy cập vào website mua hàng thật thì đã bị chuyển hướng sang website giả mạo. Từ đó hacker thu thập được thông tin về tài khoản cũng như mật khẩu của người dùng và thực hiện cái thao tác chuyển tiền đối với ngân hàng và lấy được tiền của nạn nhân".
Cơ quan Công an nhận định, nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, mất tiền trong tài khoản ngân hàng cũng rất có thể xảy ra khi người dân lui tới các địa điểm công cộng và truy cập vào các mạng wifi giả mạo do kẻ xấu tạo ra có tên giống hệt với tên của các mạng wifi công cộng chính thống.
Hành vi tạo lập các mạng wifi giả mạo thực chất là biến tướng của chiêu trò phát tán những tin nhắn như: Thông báo đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp; Thông báo tài khoản ngân hàng đang bị đăng nhập bởi một thiết bị khác hay Thông báo trúng thưởng các đồ dùng có giá trị… Mục đích là để dẫn dụ những người nhẹ dạ cả tin click vào những đường link có chứa mã độc.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hướng - Cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông khuyến cáo: "Khi kết nối wifi công cộng thì thiết bị thông mình của người dân cũng có thể tiếp xúc với các thiết bị bị nhiễm virus hay phần mềm độc hại. Từ đó, kẻ xấu có thể lợi dụng để chiếm quyền điều khiển điện thoại để thực hiện những mục địch xấu, trong đó có việc chiếm đoạt tiền khi thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến. Do vậy người dân cần hết sức cẩn trọng".
Biện pháp sử dụng wifi an toàn
Để không rơi vào tình huống bị mất tiền khi thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến, người sử dụng chỉ nên dùng wifi công cộng để lướt mạng, đọc tin tức đơn thuần. Trường hợp bắt buộc phải xử lý các giao dịch quan trọng như mua hàng trực tuyến hay chuyển tiền, tốt nhất là nên sử dụng mạng 3G, 4G đã có sẵn trên điện thoại của mình.
Anh Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam khuyến cáo: "Đối với những người sử dụng mà đã được cơ quan cung cấp những phần mềm như kết nối mạng VPN của cơ quan thì trong trường hợp này bạn có thể kết nối đến cơ quan của mình bằng phần mềm VPN, để đảm bảo những dữ liệu được xử lý trong máy tính của bạn sẽ được mã hóa trên dây chuyền. Như vậy sẽ giúp bạn được đảm bảo an toàn khi sử dụng hệ thống wifi công cộng".
Thiếu tá Nguyễn Văn Hướng - Cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông, Hà Nội khuyến cáo: "Nếu trong máy tính hay điện thoại có nhiều dữ liệu quan trọng thì chúng ta nên hạn chế hay tốt nhất là không nên sử dụng wifi công cộng".
Bên cạnh đó, người dùng không nên truy cập wifi công cộng để cài đặt các ứng dụng trên điện thoại. Cần ghi nhớ chỉ tải các ứng dụng từ các nguồn chính thống để tránh bị trục lợi và bị lộ lọt dữ liệu cá nhân.
"Kể cả khi cài trên các kho chính thống thì trước khi cài chúng ta cũng nên kiểm tra ứng dụng đó của nhà cung cấp có uy tín hay không, có bao nhiêu lượt tải, bao nhiêu lượt đánh giá tốt… Khi cài đặt mà các ứng dụng đó đòi hỏi quyền khi cài đặt cũng nên dành vài phút đọc kỹ để xem ứng dụng đó yêu cầu truy cập vào những nguồn tài nguyên nào của điện thoại", anh Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Công ty cổ phần An toàn thông tin Cyradar cho biêt.
Người dùng cũng cần gỡ bỏ ngay những ứng dụng được cài đặt từ các nguồn không chính thống hay cài đặt qua wifi công cộng. Vì rất có thể trong quá trình cài đặt các ứng dụng này, kẻ xấu đã dẫn dụ người dùng điện thoại cho phép thực hiện quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu nhạy cảm để từ đó thực hiện hành vi trục lợi.
Các chuyên gia an ninh mạng cũng đưa ra khuyến cáo, trường hợp đã lỡ sử dụng mạng wifi công cộng để thực hiện các giao dịch quan trọng thì nên thực hiện đổi ngay các mật khẩu liên quan đến những giao dịch vừa thực hiện. Bởi rất có thể những thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng đã rơi vào tay của hacker. Việc đổi mật khẩu này sẽ giúp người dùng lấy lại được quyền kiểm soát cái tài khoản của mình.
Nguồn: Vtv.vn