Đằng sau quyết định sa thải "Cha đẻ" của ChatGPT
ChatGPT có thể thay thế được nhân viên văn phòng, nhân viên marketing, luật sư… Nhưng nếu "cha đẻ" của chatGPT bị sa thải, ai sẽ thay thế vào vị trí này?
CEO Sam Altman (Ảnh: Getty)
Chỉ còn vài ngày nữa thôi là tròn một năm mô hình trí tuệ nhân tạo AI mang tên ChatGPT ra đời. Thời điểm cuối năm 2022 ChatGPT đã gây bão khi có tới hơn 100 triệu người dùng chỉ trong một thời gian ngắn. Và người ta còn dự báo, mô hình AI này sẽ khiến nhiều người mất việc làm do nó làm được quá nhiều thứ. Mới đây, đã có một trường hợp bị sa thải liên quan đến AI khiến báo chí phải rùm beng. Người lao động vừa bị mất việc trong câu chuyện này chính là cha đẻ của chatGPT - Giám đốc điều hành của công ty OpenAI - Sam Altman.
Theo nhiều tờ báo công nghệ đưa tin, có thể đã có một sự xung đột lớn giữa cách điều hành công ty của Sam Altman và các thành viên còn lại trong Hội đồng.
Ngày 18/11, hãng tin Bloomberg cho hay nhà sáng lập Sam Altman của OpenAI, cha đẻ ChatGPT mới đây đã chính thức bị đuổi việc sau khi Hội đồng quản trị hãng này mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của vị giám đốc trẻ. Thay thế Sam Altman sẽ là giám đốc kỹ thuật Mira Murati. Sự ra đi của Altman gây bất ngờ cho nhiều người cả trong lẫn ngoài công ty. Ngay sau thông tin CEO Sam Altman bị sa thải, những giao dịch cổ phiếu trên thị trường thứ cấp của OpenAI đã bị đình trệ khi nhà đầu tư bất an về tương lai của hãng. Thậm chí, một số thương vụ đã bị hủy bỏ hoàn toàn.
Ông Dan Ives, Giám đốc điều hành Wedbush Securities, cho biết: "CEO và nhà sáng lập bắt đầu trở thành gương mặt đại diện và còn có sức ảnh hưởng lớn hơn cả hội đồng quản trị, lớn hơn cả tập đoàn. Sam Altman đã trở thành gương mặt của AI toàn cầu. Nên quyết định sa thải Sam Altman sẽ gây sốc khắp phố Wall".
Giá cổ phiếu của Microsoft, công ty đã đổ hơn 10 tỷ USD cho OpenAI, đã giảm 2,4% ngay sau thông tin Sam Altman bị sa thải. Khi còn làm CEO, ông Altman đã đưa OpenAI trở thành một trong những công ty về AI thành công nhất thế giới. Vậy lý do đứng sau quyết định cứng rắn của Hội đồng quản trị OpenAI là gì? Tại sao lại sa thải một ngôi sao đang lên như Sam Altman? Tờ India Today phỏng đoán, tuyên bố của công ty này dường như ám chỉ rằng Sam Altman đã làm một việc gì đó không thể tha thứ được và có sự xung đột trong đường lối lãnh đạo công ty. Tờ này bình luận, dường như OpenAI đang đi chệch khỏi mục đích ban đầu của mình. Khi mới thành lập, OpenAI là một tổ chức phi lợi nhuận- cống hiến cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo giúp ích cho cộng đồng. Nhưng kể từ sau cơn sốt ChatGPT, Sam Altman – lúc này là CEO - đã hoàn toàn muốn hướng cho OpenAI theo hướng lợi nhuận, kinh doanh và bán sản phẩm. Sam Altman đã thúc đẩy sự phát triển của ChatGPT quá nhanh, làm dấy lên lo ngại về tính an toàn của sản phẩm này. Mặc dù chính Altman đã từng lên tiếng bày tỏ lo lắng về sự phát triển vũ bão của A.I.
Ông Sam Altman, nhà sáng lập ChatGPT, chia sẻ: "Nỗi sợ lớn nhất của tôi là khi công nghệ AI gây ra các tác hại cho thế giới. Nếu công nghệ này mà không được sử dụng đúng cách, hệ quả sẽ rất tồi tệ".
Chưa kể, sau khi ChatGPT ra đời và thành công, những công ty công nghệ khác cũng bắt đầu đổ xô vào nghiên cứu các mô hình AI tương tự. Riêng tại Trung Quốc, CEO của Baidu ông Lý Ngạn Hoành mới đây cho biết, đang có tới 238 mô hình giống như ChatGPT hoạt động. Ở Mỹ cũng vậy, cả Elon Musk và Amazon đều đang phát triển các mô hình AI. Tham vọng của Sam Altman là chatGPT luôn phải đứng đầu trong số các mô hình này. Để làm được điều đó tốn rất nhiều tiền của. Vậy ưu tiên lợi nhuận hay ưu tiên tính an toàn của AI? Đây được cho là điểm xung khắc lớn nhất giữa Sam Altman và Hội đồng quản trị của OpenAI.
Nguồn: Vtv.vn