Công suất năng lượng tái tạo của thế giới tăng 50% vào năm 2023
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 11/1 cho biết, năm 2023, công suất năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng thêm 50% so với năm trước đó.
Đồng thời, IEA dự đoán, đà tăng trưởng này sẽ bùng nổ trong 5 năm tới.
Tuyên bố của IEA nêu rõ, trong năm 2023, công suất năng lượng tái tạo trên thế giới tăng thêm 510 gigawatt (GW), đủ để đáp ứng nhu cầu điện cho gần 51 triệu hộ gia đình trong một năm. Trong đó, năng lượng mặt trời chiếm 75% công suất mới.
IEA ghi nhận sự tăng trưởng lớn nhất về năng lượng tái tạo tại Trung Quốc, quốc gia đã vận hành nhiều quang điện mặt trời vào năm 2023. Công suất năng lượng mặt trời trong năm 2023 nước này vận hành tương đương với mức của toàn thế giới trong năm 2022. Công suất điện gió tại Trung Quốc cũng tăng 60% trong năm 2023 so với năm trước đó. Báo cáo của IEA cũng cho biết, sự gia tăng công suất năng lượng tái tạo ở châu Âu, Mỹ và Brazil... cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.
(Ảnh: ESG Today)
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo, tại Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Brazil, việc phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên bờ đến hết năm 2028 sẽ hơn gấp đôi so với 5 năm qua. IEA kỳ vọng, công suất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2028 tại 130 quốc gia sẽ tăng 3.700 GW, với năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm phần lớn.
Giám đốc IEA Fatih Birol nhận định, với những diễn biến thị trường và các chính sách hiện nay, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đang có xu hướng tăng 2,5 lần đến năm 2030. Tuy nhiên, ông chỉ rõ điều này là chưa đủ để thế giới đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vốn được đề ra tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Để hoàn thành mục tiêu này, theo ông Birol, chính phủ các nước cần có các công cụ cần thiết để xóa bỏ khoảng cách giữa các quốc gia.
Theo Giám đốc IEA, điện gió trên bờ và năng lượng mặt trời hiện nay rẻ hơn so với các nhà máy điện mới sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng như các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện có ở hầu hết các quốc gia. Thách thức lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế là tăng cường đầu tư và "phủ sóng" việc sử dụng năng lượng tái tạo tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Ông khẳng định, việc đạt được mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo từ mức gần 3.400 GW của năm 2022 lên mức 11.000 GW đến năm 2030 hoàn toàn phụ thuộc vào điều này.
Nguồn: vtv.vn