Cẩn trọng thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tinh vi dịp cận Tết
Người dân cần hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán đang tới gần.
Những kẻ lừa đảo sẵn sàng mạo danh cơ quan công an để yêu cầu người dân khai báo thông tin định danh để chiếm đoạt tiền.
Trong năm 2023, khoảng 70% người dùng trực tuyến Việt Nam gặp phải lừa đảo trực tuyến mỗi tháng. Số tiền người Việt bị lừa đảo trong năm qua ước tính lên tới hơn 16 tỷ USD.
Đó là những con số từ khảo sát mới đây của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và cộng đồng chống lừa đảo Việt Nam. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán đang tới gần.
Lừa đảo trực tuyến đã bùng phát trong năm 2023. Theo thống kê của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), trong năm qua, với mỗi vụ lừa đảo thành công, các nạn nhân người Việt phải gánh chịu thiệt hại trung bình gần 18 triệu đồng mỗi vụ. Những kẻ lừa đảo cũng rất biết cách tạo niềm tin cho nạn nhân, chúng thường lợi dụng những sự kiện nổi bật của cả nước tại thời điểm đó để khiến câu chuyện của mình thêm phần đáng tin cậy.
Nhân show diễn của Black Pink tại Việt Nam, thống kê của nền tảng lắng nghe mạng xã hội YouNet Media ghi nhận đến hơn 7.000 thảo luận về chủ đề lừa đảo vé xem show này trên Facebook và các mạng xã hội khác.
"Sau khi chuyển khoản tổng cộng 5,7 triệu đồng tiền vé, em đã vào lại tin nhắn thì đã không thấy người ta hiện trên đó nữa, họ đã khóa nick Facebook", nạn nhân bị lừa tiền chia sẻ.
Những kẻ lừa đảo cũng sẵn sàng mạo danh cả cơ quan công an để yêu cầu người dân khai báo thông tin định danh để chiếm đoạt tiền.
"Nó bảo nó là thượng úy công an xã phụ trách hộ khẩu, hướng dẫn chị làm định danh điện tử. Hôm thứ Hai tôi đến nhà chị nhưng chị không có nhà. Nó bảo hiện nay có người giả danh chị vay tiền. Nó cho tôi số tài khoản, mã số, xong nó hỏi tài khoản của tôi", bà N.T.L, người dân bị lừa đảo, cho biết.
"Việc cung cấp thông tin cá nhân, cụ thể là khi công an gọi đến là không bao giờ có. Để cung cấp căn cước công dân, mức 1 là thực hiện trên app, mức 2 công dân phải đến cơ quan công an", Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho hay.
Phản ánh với phóng viên VTV, nhiều người cho biết kẻ xấu thậm chí còn biết cả tên của họ khi gọi đến, cho thấy thông tin cá nhân nhiều khả năng đã bị lộ lọt.
Nguồn: vtv.vn