Ấn Độ triển khai máy bay không người lái giám sát biên giới
Quân đội Ấn Độ đang đàm phán với các nhà sản xuất trong nước để trang bị mạng lưới UAV mạnh giám sát dọc biên giới với Trung Quốc và Pakistan.
(Ảnh minh họa: Times Now)
Bloomberg đưa tin hôm 27/10, Ấn Độ đang thiết lập một hệ thống giám sát bằng máy bay không người lái dọc biên giới của nước này để ngăn chặn "các cuộc tấn công bất ngờ". Quyết định về việc giám sát biên giới bằng UAV này được đưa ra sau khi nhóm chiến binh Palestine Hamas phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào các khu định cư của Israel hồi đầu tháng 10, khiến hơn 1.400 dân Israel thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt làm con tin.
Giới chức quốc phòng Ấn Độ đã gặp sáu nhà cung cấp máy bay không người lái giám sát và trinh sát nội địa trong tuần qua, một đơn đặt hàng dự kiến sẽ được công bố "ngay trong tháng 11 tới". Các nguồn tin cho biết, quân đội Ấn Độ đang tìm cách đưa hệ thống này vào hoạt động dọc theo một số khu vực biên giới sớm nhất là vào tháng 5/2024.
Báo cáo lưu ý rằng hệ thống UAV mới sẽ tiêu tốn của Ấn Độ khoảng 500 triệu USD mỗi năm và có thể giám sát bao phủ tất cả các khu vực biên giới của nước này trong vòng 18 tháng. Hệ thống trên sẽ bao gồm các máy bay không người lái High-Altitude Pseudo Satellite, có thể hoạt động suốt ngày đêm. Chúng cũng có thể hoạt động như hệ thống radar, truyền hình ảnh tới các trung tâm chỉ huy địa phương.
Khi được thiết lập và hoạt động, hệ thống UAV sẽ liên tục giám sát toàn bộ 24.000 dặm (38 624 km) biên giới đất liền và biên giới trên biển của Ấn Độ.
Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh phát biểu tại một hội nghị quân sự ở New Delhi rằng lực lượng vũ trang nước này nên chuẩn bị đối mặt với "chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh hỗn hợp" có thể diễn ra trong các cuộc xung đột trong tương lai. Ông cảnh báo lãnh đạo cấp cao của Quân đội Ấn Độ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch và xây dựng chiến lược của quân đội.
"Chúng ta phải tiếp tục rút kinh nghiệm từ các sự cố để bao gồm cả những sự cố toàn cầu hiện tại cũng như cả trong quá khứ. Hãy lường trước những điều bất ngờ (có thể xảy ra) và từ đó lên kế hoạch, chiến lược và có sự chuẩn bị phù hợp", Bộ trưởng Singh nói.
Ấn Độ đã chứng kiến các cuộc tấn công bất ngờ tương tự như vụ của Hamas. Năm 2008, trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ đã trở thành mục tiêu của các chiến binh từ Pakistan, với 12 vụ tấn công nổ súng và đánh bom phối hợp trong thời gian 4 ngày, khiến 166 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Theo các chuyên gia tại Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên (ORF), vụ tấn công "26/11" xảy ra vào ngày 26/11/2008 cho thấy những lỗ hổng trong hệ sinh thái an ninh quốc gia của Ấn Độ.
Tình hình ở biên giới với Pakistan và Trung Quốc ngày càng trở thành mối lo ngại đối với New Delhi. Tháng 9, ít nhất ba sĩ quan Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc chạm trán với những đối tượng cực đoan ở quận Anantnag thuộc lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Hôm 26/10, nhân viên Quân đội Ấn Độ báo cáo rằng phía Pakistan đã nổ súng vô cớ nhằm vào các vị trí của nước này ở khu vực Arnia ở Kashmir. Nhìn chung, đã có hơn 10 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn kể từ khi Ấn Độ - Pakistan ký thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 25/2/2021.
Tranh chấp biên giới đang diễn ra giữa New Delhi với Bắc Kinh gần đây nhất đã dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực vào năm 2020, khiến binh lính của cả hai bên thiệt mạng. Hai bên đã rút lui khỏi khu vực biên giới Gogra-Hot Springs ở phía Tây dãy Himalaya vào năm 2022, sau các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự sâu rộng, nhưng tranh chấp vẫn tồn tại.
Đầu tháng 10 này, các quan chức Quân đội Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán thứ 20 với những người đồng cấp Trung Quốc như một phần trong nỗ lực hướng tới việc rút quân và giảm leo thang, nhưng không có bước đột phá rõ ràng nào.
Nguồn: Vtv.vn