2023 - năm đột phá của trí tuệ nhân tạo
AI, hay trí tuệ nhân tạo, được nhà xuất bản từ điển danh tiếng Collins (Anh) chọn là từ khóa của năm nay.
(Ảnh: Linkedin)
Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo nổi lên thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Cùng với tiềm năng ứng dụng vô cùng rộng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, AI cũng tạo ra các rủi ro cao về an ninh, an toàn, buộc các quốc gia và tổ chức quốc tế phải gấp rút tìm kiếm biện pháp kiểm soát.
Sự ra đời và tạo cơn sốt toàn cầu đầu năm nay của ChatGPT, phần mềm AI tạo sinh của công ty OpenAI, được xem là cột mốc thay đổi nhận thức của nhiều người về trí tuệ nhân tạo. Đây không còn là những ứng dụng công nghệ phục vụ một cách bị động yêu cầu của người dùng mà đã tiến hóa đến một cấp độ cao hơn, đó là bắt đầu có các "tư duy sơ cấp" chủ động, có khả năng liên kết siêu dữ liệu, tự phát triển nhận thức và tiến hóa thông qua tương tác với chính người dùng.
Bên cạnh những lợi ích tiềm năng to lớn, AI cũng bắt đầu tạo ra lo ngại.
Ông Andrew Patel, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, Công ty Withsecure, nói: "Công nghệ này sẽ bị lạm dụng cũng nhiều như nó được sử dụng vậy, sẽ có rất nhiều nội dung được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo và bạn khó có thể xác định nội dung nào là độc hại. Chúng ta vẫn sẽ phải dựa vào các phần mềm phát hiện lừa đảo, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao hiểu biết của bản thân và các chiêu trò lừa đảo trực tuyến".
(Ảnh: Getty Images)
Trước các thách thức về việc AI có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát, tác động tiêu cực đến con người, cộng đồng thế giới trong năm nay đã tăng tốc kiểm soát việc phát triển và sử dụng AI.
Giáo sư Arjan Durresi, nhà nghiên cứu về khoa học máy tính, cho biết: "Tôi muốn dùng một phép ẩn dụ bằng cách so sánh trí tuệ nhân tạo với một đứa bé đang chuẩn bị trở thành người lớn. Chúng ta phải dạy nó trách nhiệm và không làm những điều có hại cho con người. Chúng ta phải đặt ra những tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo, huấn luyện nó trở nên an toàn, đáng tin cậy".
Cuối tháng 10, Liên hợp quốc công bố thành lập Ban cố vấn AI, với 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả, có nhiệm vụ đưa ra hướng quản lý AI ở tầm quốc tế.
Ít lâu sau, lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an toàn AI được tổ chức tại Anh, thông qua Tuyên bố Bletchley... cam kết thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và hợp tác quốc tế trong sử dụng và nghiên cứu AI an toàn.
Cũng từ Hội nghị này, các nước đã đề ra nguyên tắc kiểm soát AI "an toàn từ thiết kế"hay việc các nhà phát triển AI cam kết cho phép các chính phủ kiểm tra mức độ an toàn của các công nghệ AI trước khi công bố ra công chúng.
Cuối năm 2023, EU đạt được thỏa thuận chính trị về các điều khoản trong dự thảo Đạo luật AI. Đây sẽ là đạo luật đầu tiên và đầy đủ nhất về AI được triển khai trên thế giới.